Cảng Hành khách Quốc tế Phú Quốc có tổng diện tích 179,3 ha được xây dựng tại thị trấn Dương Đông, đảo ngọc Phú Quốc.
Cảng được thiết kế có khả năng tiếp nhận tàu hành khách có sức chở 5000 - 6000 hành khách (trọng tải 225.000 GT), tàu hàng có trọng tải đến 15.000 tấn.
Trong giai đoạn đầu đến 2020 cảng có thể tiếp đón từ 105.000 - 190.000 hành khách/năm. Giai đoạn đến 2030 là 350.000 - 550.000 hành khách/năm.
Bến cảng là dạng bến nhô, cầu chính được bố trí ở khu vực có độ sâu tự nhiên -11,0m, nối với bờ bằng cầu dẫn. Cầu chính là bến liên tục, có kích thước dài 240m rộng 35m để đảm bảo chiều dài cập tàu và chiều rộng cho xe container hoặc xe buýt 50 chỗ quay trở trên cầu, bố trí cập tàu ở cả mặt trong và mặt ngoài. Cầu dẫn nối bến với khu hành khách dài hơn 1.000m với bề rộng 13m, gồm 02 làn xe cơ giới rộng 7.0m, hai bên bố trí 2 làn đi bộ được ngăn cách với làn xe cơ giới bằng dải phân cách bê tông, đủ để xe chở hành khách di chuyển thuận lợi, hai chiều từ khu hành khách ra bến và ngược lại.
Đê chắn sóng gồm 02 đoạn tạo thành hình chữ L với tổng chiều dài khoảng 850m, có kết cấu dạng mái nghiên sử dụng khối phá sóng, đảm bảo che chắn vùng nước bên trong Cảng. Luồng và vũng quay tàu đáp ứng cho tàu khách 225.000 GT và tàu container 15.000 DWT và các tàu có trọng tải lớn hơn giảm tải phù hợp khi hàng hải. Luồng vào cảng: 1 làn, bề rộng luồng lớn nhất 250 m và bán kính cong 1.800m. Vũng quay tàu có đường kính D = 720 m. Hệ thống phao tiêu báo hiệu, được bố trí 05 phao báo hiệu luồng đảm bảo theo quy định.
Khu hành khách: bố trí trên phần đất san lấp nằm ở phía Bắc của trục đường nối với đường sân bay hiện hữu với đường trục cầu dẫn. Khu nhà ga, gồm các phòng: văn phòng, phòng đợi, khu vực hải quan, khu vệ sinh công cộng, khu dịch vụ, khu siêu thị và khu hàng miễn thuế...
Giao thông đối ngoại kết nối thẳng với đại lộ Võ Văn Kiệt và đường Trần Phú thông qua đoạn đường dẫn và hệ thống đường nội bộ, sân bãi trước nhà ga, bãi đậu xe được thiết kế đồng nhất.
Hệ thống cấp, thoát nước: Tổng nhu cầu dùng nước và nguồn nước được dự kiến được cấp nước từ hồ chứa Dương Đông; hệ thống thoát nước bẩn, nước thải được thiết kế tách biệt với hệ thống thoát nước mưa, được thu gom và chở đến trạm xử lý tập trung bằng thiết bị chuyên dụng.
Tổng mức đầu tư dự án là 1.644 tỷ đồng.
Phương án đầu tư: Đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước (Ngân sách Trung ương 29%, Ngân sách địa phương 41%, vốn BOT 30%). Huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương, địa phương.
Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được triển khai phù hợp với Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 và Quy hoạch chi tiết Cảng hành khách Phú Quốc đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 4400/QĐ-BGTVT ngày 21/11/2014; phù hợp với tinh thần quyết định số 245/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo dõi chủ đề #PhuQuocInternationalPassengerPort #cangtauquoctephuquoc #chuyenvientuvan.com.vn #batdongsanphuquoc
Nguồn: Sở Giao thông vận tải Tỉnh Kiên Giang và Newteco
Xem thêm đất nền Phú Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét